Friday, June 6, 2025
Sunday, January 26, 2025
Thông điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 59
Chủ đề: Hãy lan tỏa niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em với lòng hiền hòa và sự kính trọng
NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP:
Anh chị em thân mến!
Trong thời đại của chúng ta, thời đại đầy rẫy thông tin sai lệch và sự chia rẽ, khi một số đơn vị quyền lực kiểm soát một khối lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ chưa từng có, tôi muốn ngỏ lời với anh chị em như một người hiểu rõ tầm quan trọng – hơn bao giờ hết – của công việc mà anh chị em đang thực hiện với tư cách là những nhà báo và những người làm truyền thông. Những nỗ lực dũng cảm của anh chị em trong việc đặt trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với tha nhân vào trọng tâm của truyền thông thực sự là điều rất cần thiết.
Khi suy tư về Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành trong năm nay, như một thời điểm ân sủng giữa những biến động của thời đại, tôi muốn trong Sứ điệp này mời gọi anh chị em hãy trở thành những “người truyền tải niềm hy vọng”, bắt đầu từ sự đổi mới công việc và sứ mạng của mình theo tinh thần Tin Mừng.
'THANH LỌC' NGÔN TỪ TRUYỀN THÔNG
Ngày nay, thay vì vun trồng hy vọng, truyền thông thường gieo rắc sợ hãi, tuyệt vọng, định kiến, oán giận, cuồng tín, thậm chí cả hận thù. Nhiều khi, truyền thông làm méo mó thực tế để kích thích những phản ứng bản năng; nó sử dụng lời nói như những lưỡi dao sắc bén; thậm chí còn dùng thông tin sai lệch hoặc bóp méo một cách tinh vi để gửi đi những thông điệp nhằm khuấy động, khiêu khích hoặc làm tổn thương. Tôi đã nhiều lần kêu gọi rằng chúng ta cần “giải trừ vũ khí” (disarm) trong truyền thông và thanh lọc nó khỏi sự hung hăng. Thực tế không bao giờ nên bị giản lược thành những khẩu hiệu rỗng tuếch. Chúng ta đều nhận thấy rõ – từ những chương trình tranh luận trên truyền hình đến những cuộc tấn công bằng lời trên mạng xã hội – nguy cơ rằng mô hình cạnh tranh, đối kháng, ý chí thống trị và thao túng dư luận đang dần chiếm ưu thế.
Còn một hiện tượng khác cũng rất đáng lo ngại: điều chúng ta có thể gọi là “phân tán sự chú ý có chủ đích” thông qua các hệ thống kỹ thuật số. Những hệ thống này, bằng cách lập hồ sơ chúng ta dựa trên logic thị trường, đã thay đổi cách chúng ta cảm nhận thực tại. Kết quả là, chúng ta thường cảm thấy bất lực khi chứng kiến một hình thức phân mảnh các mối quan tâm, điều này làm xói mòn nền tảng của đời sống cộng đồng, khả năng cùng nhau hướng tới lợi ích chung, lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của nhau. Việc tìm kiếm một “kẻ thù” để công kích dường như trở thành cách duy nhất để khẳng định bản thân. Nhưng khi chúng ta biến người khác thành “kẻ thù”, khi chúng ta phớt lờ nhân cách và phẩm giá của họ để chế giễu và hạ thấp họ, chúng ta cũng đánh mất khả năng gieo mầm hy vọng. Như Don Tonino Bello từng nói, mọi xung đột “bắt đầu khi khuôn mặt của từng cá nhân mờ nhạt và biến mất”. [1] Chúng ta không được để mình rơi vào lối suy nghĩ này.
Thật vậy, hy vọng không phải là điều dễ dàng. Georges Bernanos từng nói: “Chỉ những ai đủ can đảm để từ bỏ những ảo tưởng và dối trá mà họ từng xem là nơi an toàn – và nhầm lẫn đó là hy vọng – mới có khả năng hy vọng... Hy vọng là một sự mạo hiểm cần phải chấp nhận. Đó là mạo hiểm của mọi sự mạo hiểm”. [2] Hy vọng là một nhân đức âm thầm, bền bỉ và kiên nhẫn. Đối với người Kitô hữu, hy vọng không phải là một lựa chọn, mà là một điều kiện cần thiết. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Thông điệp Spe Salvi, hy vọng không phải là sự lạc quan thụ động, mà là một nhân đức “hành động” có khả năng thay đổi cuộc sống chúng ta: “Ai có hy vọng thì sống khác đi; người hy vọng được ban tặng món quà của một cuộc sống mới” (số 2).
LÀM CHỨNG VỚI SỰ HIỀN HÒA VỀ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG CHÚNG TA
Trong Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3,15-16), chúng ta được mời gọi chiêm ngắm một sự tổng hợp tuyệt vời, trong đó niềm hy vọng được gắn kết chặt chẽ với chứng tá và việc truyền thông Kitô giáo: “Hãy tôn Đức Kitô là Chúa trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi về niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy trả lời với sự hiền hòa và lòng kính trọng”. Tôi muốn cùng anh chị em suy tư về ba thông điệp mà chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy này.
-
“Hãy tôn Đức Kitô là Chúa trong lòng anh em”. Đối với người Kitô hữu, niềm hy vọng có một khuôn mặt – khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh. Lời hứa của Ngài rằng luôn hiện diện với chúng ta qua ân sủng của Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh giúp chúng ta hy vọng, ngay cả khi mọi hy vọng dường như không còn. Chính nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra sự thiện hảo âm thầm hiện diện, ngay cả giữa những hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng.
-
Thông điệp thứ hai nhắn nhủ chúng ta rằng hãy luôn sẵn sàng để giải thích về niềm hy vọng trong lòng mình. Điều đáng chú ý là Thánh Phêrô mời gọi chúng ta trả lời “cho bất cứ ai” đặt câu hỏi. Người Kitô hữu không chỉ là những người “nói về” Thiên Chúa, mà là những người để đời sống mình phản chiếu vẻ đẹp của tình yêu Ngài và một cách sống hoàn toàn mới. Tình yêu ấy không chỉ được nói ra, mà được sống, và chính tình yêu ấy khơi lên những câu hỏi: Tại sao bạn sống như thế? Tại sao bạn lại khác biệt?
-
Cuối cùng, lời của Thánh Phêrô còn dạy chúng ta một điều quan trọng: câu trả lời của chúng ta phải được thực hiện “với sự hiền hòa và lòng kính trọng”. Truyền thông Kitô giáo – và cả truyền thông nói chung – cần được thực hiện trong sự gần gũi và dịu dàng, như một cuộc trò chuyện giữa những người bạn đồng hành trên hành trình. Đây chính là cách mà nhà truyền thông vĩ đại nhất, Chúa Giêsu thành Nazareth, đã làm. Khi Ngài đồng hành cùng hai môn đệ trên đường Emmaus, Ngài đã trò chuyện với họ, làm cho lòng họ bừng cháy khi Ngài giải thích mọi sự dưới ánh sáng của Kinh Thánh.
Tôi mơ ước về một nền truyền thông kết nối chúng ta như những người bạn đồng hành, cùng bước đi bên cạnh anh chị em mình, thắp lên trong họ ngọn lửa hy vọng giữa những bất ổn của thời đại. Một nền truyền thông chạm đến trái tim, thay vì khơi gợi sự phòng thủ hay giận dữ, lại gieo mầm cho sự cởi mở và tình bạn. Một nền truyền thông biết cách hướng đến vẻ đẹp và hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, vun đắp sự cam kết, đồng cảm và quan tâm đến tha nhân. Một nền truyền thông giúp chúng ta “nhận ra phẩm giá của mỗi con người, và [cùng nhau] chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” (Dilexit Nos, 217).
Tôi mơ về một nền truyền thông không gieo rắc những ảo tưởng hay nỗi sợ hãi, mà mang đến lý do để hy vọng. Martin Luther King đã từng nói: “Nếu tôi có thể giúp ai đó trên hành trình của mình, nếu tôi có thể làm ai đó vui lên bằng một lời nói hay bài hát... thì cuộc sống của tôi sẽ không vô nghĩa”. [3] Để làm được điều đó, chúng ta cần được chữa lành khỏi “căn bệnh” tự mãn và tự quy chiếu, và tránh nguy cơ lớn tiếng át đi người khác nhằm làm cho tiếng nói của mình được nghe thấy. Một người truyền thông tốt sẽ giúp người nghe, người đọc hoặc người xem cảm thấy được tham gia, cảm thấy gần gũi, khơi dậy phần tốt đẹp nhất trong chính họ và bước vào câu chuyện với một thái độ tích cực. Truyền thông như thế giúp chúng ta trở thành “những người hành hương của hy vọng”, là khẩu hiệu của Năm Thánh hiện nay.
CÙNG NHAU HY VỌNG
Hy vọng không bao giờ là chuyện của riêng ai, mà luôn là một dự án của cộng đồng. Hãy thử dừng lại và suy ngẫm về thông điệp tuyệt vời mà Năm Hồng Ân này mang lại. Tất cả chúng ta – không trừ một ai! – đều được mời gọi để bắt đầu lại, để cho Thiên Chúa nâng chúng ta dậy, ôm lấy chúng ta và tuôn đổ lòng thương xót của Ngài. Ở đây, khía cạnh cá nhân và cộng đồng hòa quyện làm một: chúng ta cùng nhau bước đi, đồng hành với biết bao anh chị em, và cùng nhau vượt qua Cửa Thánh.
Năm Thánh mang trong mình nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hãy nghĩ đến, chẳng hạn, thông điệp về lòng thương xót và niềm hy vọng dành cho những ai đang sống trong cảnh tù đày, hay lời mời gọi đến gần hơn và thể hiện sự dịu dàng đối với những người đau khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Năm Thánh nhắc nhở rằng những ai kiến tạo hòa bình “sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9). Qua đó, Năm Thánh khơi dậy trong chúng ta niềm hy vọng, mời gọi một cách truyền thông đầy chú ý, dịu dàng và sâu sắc, có khả năng mở ra những con đường đối thoại. Chính vì thế, tôi khuyến khích anh chị em hãy tìm kiếm và chia sẻ những câu chuyện về lòng tốt đang ẩn giấu trong từng biến chuyển của tin tức, giống như những người đãi vàng không ngừng sàng lọc cát để tìm được một hạt vàng quý giá. Tìm kiếm những hạt giống hy vọng và làm cho chúng được biết đến là một điều tuyệt vời. Điều này giúp thế giới của chúng ta bớt đi sự điếc lác trước tiếng kêu của người nghèo, bớt vô cảm, và bớt khép kín vào chính mình. Mong rằng anh chị em luôn tìm thấy những tia sáng của lòng tốt, những điều khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng. Một cách truyền thông như thế có thể xây dựng sự hiệp thông, giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn và nhận ra tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi.
HÃY LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM
Anh chị em thân mến, trước những thành tựu kỳ diệu của công nghệ, tôi mời gọi anh chị em hãy quan tâm đến trái tim mình, đến đời sống nội tâm. Điều đó có nghĩa là gì? Hãy để tôi chia sẻ một vài suy tư.
Hãy sống hiền hòa và đừng bao giờ quên những khuôn mặt của người khác; hãy nói từ trái tim đến trái tim với những người mà anh chị em phục vụ qua công việc của mình.
Đừng để những phản ứng bộc phát dẫn dắt cách anh chị em truyền thông. Hãy luôn gieo hy vọng, ngay cả khi điều đó thật khó khăn, ngay cả khi phải trả giá, ngay cả khi dường như không mang lại kết quả.
Hãy nỗ lực xây dựng một nền truyền thông có thể chữa lành những vết thương của nhân loại.
Hãy mở lòng để đón nhận sự tín thác chân thành, giống như một bông hoa mảnh mai nhưng kiên cường, không bị khuất phục bởi những thử thách của cuộc sống, mà vẫn nở rộ và lớn lên ở những nơi không ngờ nhất. Sự tín thác ấy hiện diện trong lời cầu nguyện đầy hy vọng của những người mẹ mong mỏi con mình trở về từ chiến trường, trong niềm hy vọng của những người cha chấp nhận hiểm nguy để di cư, tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Nó cũng hiện diện trong ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ vẫn chơi đùa, cười nói và tin vào cuộc sống, dù giữa đống đổ nát của chiến tranh hay trên những con phố nghèo nàn của các khu ổ chuột.
Hãy trở thành những chứng nhân và người thúc đẩy một nền truyền thông không mang tính gây hấn; hãy lan tỏa văn hóa chăm sóc, xây dựng những nhịp cầu và phá bỏ những rào cản hữu hình lẫn vô hình của thời đại.
Hãy kể những câu chuyện thấm đẫm niềm hy vọng, hãy quan tâm đến vận mệnh chung của nhân loại, và cùng nhau viết nên lịch sử cho tương lai.
Tất cả những điều này chúng ta có thể làm, nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà Năm Thánh giúp chúng ta lãnh nhận cách dồi dào. Đây là lời cầu nguyện của tôi dành cho anh chị em, và với lời cầu nguyện ấy, tôi chúc lành cho từng người và công việc của anh chị em.
Rôma, Đền Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Lễ Kính Thánh Phanxicô Salêsiô
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM (www.communication-theology.com)
Wednesday, October 23, 2024
Chân phước Timothy Giaccardo, người bạn đồng hành và trợ tá trung thành của Chân phước Giacôbê Alberione
Giuseppe Giaccardo sinh ngày 13 tháng 6 năm 1896 tại tỉnh Cuneo, nước Ý, trong một gia đình sùng đạo. Giuseppe là con trai đầu lòng của ông Stefano và bà Maria, bà rất sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Từ mẹ mình, cậu bé Giuseppe đã học được lòng sùng kính Đức Mẹ. Cậu bé Giuseppe là một học sinh ngoan ngoãn, nhận được sự yêu mến và đánh giá cao từ các thầy cô giáo.
Khi Cha James Alberione là linh mục phó xứ tại Narzole, cha Alberione nhận ra sự chuyên cần khác thường của cậu bé này. Lòng đạo đức của cậu vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa. Cuối cùng, Cha Alberione đã gửi Giuseppe đến Chủng viện Alba vào tháng 10 năm 1908.
Giuseppe luôn trung thành với các nhiệm vụ học tập, tuân theo các quy luật và rất đạo đức. Giuseppe đã gây nên ấn tượng cho mọi người bằng cách làm những điều bình thường trong cuộc sống cách phi thường. Chúng sinh Giuseppe không phô trương hay chỉ huy, mà chỉ phát triển các nhân đức với sự dấn thân và lòng kiên định phi thường. Giuseppe đã thành công trong việc thực hành lý tưởng này cả suốt cuộc đời mình. Thật là khó để tìm ra những điều gọi là phi thường trong cuộc đời của Giuseppe Giaccardo. Giuseppe sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại bằng sự kiên định và dấn thân sống ơn gọi của mình.
Giuseppe Giaccardo được phong chức linh mục vào ngày 19 tháng 10 năm 1919, ngài là linh mục đầu tiên của Dòng Thánh Phaolô. Khi chọn tên mới cho mình, cha cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con muốn tách rời khỏi mọi sở thích của trần gian, và mọi cảm giác ganh tị. Con chỉ xin một tên gọi phản ánh đời sống và cuộc chiến tâm linh của con; con nghĩ đến ‘Ti-mô-thê’, người môn đệ được yêu mến của Thánh Phaolô.” Đó là tên mà Cha Alberione đã đặt cho Cha Giaccardo khi Cha nhận lời khấn vào ngày 30 tháng 6 năm 1920. Với tên gọi mới này, cha Ti-mô-thê không hề hoài nghi về sứ mệnh của mình. Cha cố gắng trở thành “một tâm một trí” với Cha Alberione, như Ti-mô-thê với Thánh Phaolô vậy.
Cha Ti-mô-thê đã là một môn đệ trung thành của cha Alberione, đấng sáng lập Gia đình Phaolô, và cộng tác với ngài trong mọi việc. Cha hiểu rõ giá trị của việc cộng tác với một người đã nhận được đặc sủng từ Chúa. Cha đã cố gắng thấu hiểu sâu sắc con người của cha Alberione. Điều này giúp cha can thiệp đúng lúc để giải quyết các vấn đề tế nhị, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Châm ngôn của cha luôn là: “Lạy Chúa, con không muốn làm hài lòng bản thân, con không tìm kiếm lợi ích cho chính mình, con chỉ muốn thánh ý Ngài được thể hiện và để mói sự được xảy ra cách tốt đẹp."
Chức vụ của cha bao gồm viết lách, biên tập và phân phối tài liệu tôn giáo. Ngoài ra, cha còn giúp đỡ trong việc đào tạo các thành viên trẻ hơn của dòng, dạy thần học và là người hướng dẫn ơn gọi. Năm 1926, Cha được giao nhiệm vụ thành lập nhà đầu tiên của Dòng Phaolô tại Rôma. Ở đó, Cha đã biên tập tờ báo tuần “Tiếng nói của Rome” và quản lý xưởng in. Cha được triệu hồi về Alba để quản lý nhà mẹ, nhưng lại được cử về Rôma vào năm 1946 để làm bề trên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô và phó tổng bề trên của Dòng. Nhận ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện để hỗ trợ các hoạt động mục vụ của Gia đình Phaolô, cha đã thành lập Nữ tu Môn đệ Thầy Chí Thánh, dòng chiêm niệm (Pie Discepole del Divin Maestro, DP). Khi Tòa Thánh phản đối việc phân chia một số các Nữ tu Thánh Phaolô qua Dòng Môn đệ Thầy Chí Thánh, Cha Timothy được giao nhiệm vụ tế nhị là thuyết phục các vị cầm quyền ở Vatican phê duyệt cộng đoàn này, điều này đã được thực hiện vào năm 1948.
Sau khi đã dành trọn cuộc đời cho Gia đình Phaolô, Cha Ti-mô-thê Giaccardo đã bước vào cõi vĩnh hằng vào thứ bảy, ngày 24 tháng 1 năm 1948. Cha được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 22 tháng 10 năm 1989. Hàng năm Giáo hội mừng lễ của Chân phước Ti-mô-thê vào ngày 19 tháng 10.
Chân phước Timothy Giaccardo, xin cầu cho chúng con!
Tuesday, September 10, 2024
Tư tưởng của Cha Alberione về việc tông đồ
Hãy sống bởi Thiên Chúa! Và hãy trao ban Thiên Chúa. (UPS IV 277)
- Bao nhiều lần bạn tự hỏi mình câu hỏi lớn này: Nhân loại đang đi về đâu, họ đang di chuyển như thế nào, họ đang nhắm mục tiêu nào khi không ngừng đổi mới chính mình trên mặt đất này? Nhân loại giống như một dòng sông cả đổ vào vĩnh cửu. Họ sẽ được cứu? Hay sẽ hư mất đời đời? (SC 232)
- Chúng ta phải thừa nhận rằng có những mầu nhiệm. Nhưng một điều chắc chắn: một số người tông đồ đùn đẩy công việc đến ngày mai (slept on the job). Họ là những ai? Phải chăng đó là những người đương thời của Đức Giêsu? Không, chính là những kẻ theo sau. Nếu tất cả các tông đồ cho đến nay đều là những vị thánh, thì thế giới hẳn đã biết về tình yêu của Chúa Giê-su khá hơn rồi! Vậy thì tại sao chúng ta không kếp hợp với nhau trong tình huynh đệ của cầu nguyện và hoạt động, để ít nhất đem giáo lý và Tin Mừng đến cho mọi người? (Pr A 274).
Sunday, July 28, 2024
Linh đạo Kitô giáo cho người truyền thông
Linh đạo Kitô giáo cho người truyền thông nghiên cứu và suy ngẫm trong mặc khải về các cách thức và phương tiện truyền thông của Thiên Chúa với dân Israel, và rút ra những hệ quả từ đó cho việc truyền thông của chính mình:
- Thiên Chúa nói chuyện với Adam và Eva và những người khác như Cain trong truyền thông cá nhân: “Ngươi ở đâu? Abel, em của ngươi đâu?” (St 3,9).
- Ngài sử dụng đối thoại nhân loại như trong lời than phiền của Giêrêmia (20:7-9): “Ngài đã quyến rũ con và con đã bị lừa, Ngài đã chế ngự con và đã thắng…”.
- Ngài gọi các ngôn sứ và các vua theo cách nhân loại và gửi họ đi kèm với các biểu tượng như việc xức dầu.
- Ngài nói chuyện với Mô-sê “mặt đối mặt” theo cách mà mặt ông trở nên sáng chói và không thể nhìn bằng mắt thường (Đnl 34:10).
- Ngài hiện ra với ngôn sứ Êlia trên núi Horeb không phải trong cơn gió mạnh, cũng không phải trong trận động đất hay lửa mà trong làn gió nhẹ của sự im lặng (1 V 19:11-13).
- Ngài bày tỏ sự giận dữ của mình: “Ta sẽ xóa sạch loài người mà Ta đã tạo dựng khỏi mặt đất…” (St 6:7).
- Ngài hiện ra trong sấm sét, với đám mây dày đặc trên núi và tiếng kèn vang dội (Xh 19,16).
Tóm lại, Thiên Chúa sử dụng mọi cách thức và phương tiện truyền thông của con người được nhúng trong văn hóa của người dân.
Trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu Kitô là “người truyền thông hoàn hảo” và các cách thức và phương tiện truyền thông của Ngài là tấm gương để người truyền thông Kitô giáo noi theo trong cuộc sống và hành động của mình:
- Ngài truyền thông qua các hoàn cảnh của cuộc sống như sự sinh ra trong máng cỏ, sự im lặng trong thời gian lớn lên ở Nazareth và 40 ngày trong sa mạc, nhưng cũng qua cái chết trên thập giá.
- Ngài truyền thông ở mọi nơi Ngài đi và ở, như trên các con đường, trên biển, trên núi, trong nhà và trong đền thờ, qua lời nói và hành động.
- Ngài truyền thông qua những câu chuyện và dụ ngôn, luôn bắt đầu câu chuyện của mình bằng những trải nghiệm cuộc sống của những người xung quanh Ngài, những người quen thuộc với người gieo giống, những ngư dân, người nội trợ, vua và các tôi tớ của ông, nhưng cũng với góa phụ và người mẹ đang khóc thương con mình.
- Ngài áp dụng mọi hình thức truyền thông trong mối quan hệ với mọi người: Ngài nói chuyện trong truyền thông cá nhân thân mật với Nicôđêmô, người phụ nữ Samari và các chị em của Lazarô. Ngài chia sẻ trong truyền thông nhóm với các tông đồ, nhưng cũng trong nhóm nhỏ hơn như các khách dự tiệc cưới hoặc những người tham gia bữa ăn.
- Ngài giảng dạy và truyền đạt với đám đông từ trên núi, bờ biển và trên thuyền.
- Ngài không sợ ‘xúc phạm’ người khác nếu họ không theo Thiên Chúa như các Pharisêu và kinh sư, nhưng cũng thách thức các môn đệ của mình.
- Ngài truyền thông theo cách rất đặc biệt và độc đáo qua cuộc khổ nạn và thập giá của Ngài.
Bất kỳ linh đạo nào của người truyền thông Kitô giáo cũng phải dựa trên sự suy ngẫm, chiêm niệm và nội tâm hóa những sự kiện này. Điều này đòi hỏi một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, nơi mà tất cả các hoạt động bên ngoài đều phát xuất từ một kinh nghiệm linh đạo và nội tâm.
Wednesday, July 24, 2024
Chiêm niệm trong hành động
Contemplata Tradere, truyền đạt điều mình suy niệm, là châm ngôn và sứ vụ của Dòng Giảng Thuyết (Đaminh). Mọi người truyền thông Kitô giáo cũng phải làm như vậy. Thánh Inhaxiô Loyôla, sáng lập Dòng Tên, là người đầu tiên được gọi là nhà chiêm niệm trong hành động. Chiêm niệm trong hành động cũng là điều Đức Gioan Phaolô II đòi hỏi nơi người truyền giáo. Một người truyền thông Kitô giáo muốn xứng với tên gọi này cũng phải có thái độ như vậy. Theo Đức Gioan Phaolô II (RM 91), một ‘người chiêm niệm trong hành động’ là người “tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề trong ánh sáng của lời Chúa và trong kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn. Các tiếp xúc của tôi với đại diện của các truyền thống thiêng liêng ngoài Kitô giáo, đặc biệt các truyền thống ở Châu Á, đã xác nhận cho tôi quan điểm rằng tương lai của truyền giáo tuỳ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một người chiêm niệm, họ không thể nào rao giảng Đức Kitô một cách đáng tin được. Họ là một chứng nhân về kinh nghiệm Thiên Chúa, và họ phải có thể nói như các tông đồ: ‘điều chúng tôi đã thấy tận mắt... về Lời sự sống... chúng tôi loan báo cho anh em’ (1 Ga 1,1-3)”. Lời Đức Thánh Cha nói ở cuối Thông điệp của ngài cũng áp dụng cho người truyền thông Kitô giáo: “Nét đặc trưng của mọi cuộc đời truyền giáo đích thực là niềm vui bên trong phát xuất từ đức tin. Trong một thế giới bị dằn vặt và đè bẹp bởi quá nhiều vấn đề, một thế giới bị cám dỗ bởi thái độ bi quan, thì người loan báo ‘Tin Mừng’ phải là một người đã tìm thấy niềm hy vọng thực sự trong Đức Kitô” (số 91). -- Trích từ Linh đạo cho người làm truyền thông Kitô giáo
Tuesday, July 23, 2024
Linh đạo của người truyền thông là một lời kêu gọi vươn tới sự thánh thiện bản thân
"Linh đạo của người truyền thông là một lời kêu gọi vươn tới sự thánh thiện bản thân. Họ chỉ là một người truyền thông Kitô giáo đích thực nếu họ dấn mình vào việc này và nếu tất cả hoạt động truyền thông của họ tuôn trào từ sự dấn mình này. “Sự thánh thiện phải được gọi là một điều kiện nền tảng và không thể thay thế đối với mọi người trong việc hoàn thành sứ mạng cứu rỗi trong Hội Thánh” (Christifideles Laici, 1988, 17). Lời kêu gọi mọi người phải vươn tới sự thánh thiện là một thách thức đặc biệt đối với những người truyền thông Kitô giáo. Họ phải hằng ngày cố gắng canh tân bản thân trong Thần Khí và ngày càng đi sâu hơn trong sự quý chuộng Kinh Thánh và “cũng cố gắng cập nhật việc huấn luyện giáo thuyết và mục vụ của họ” (RM 91)." -- Linh đạo của người truyền thông Kitô giáo, Tác giả: Franz-Josef Eilers, SVD